28.10.11

Bánh lá mơ xanh



Bữa nọ có người bạn hỏi biết bánh lá mơ không, ừ thì chẳng những biết, mà còn có nhiều chuyện để nhớ về nó nữa kia. Mình nói với bạn rằng bánh lá mơ hiện giờ cũng không hiếm thấy ở Sài Gòn, nhưng mà người ta làm bằng bột công nghiệp, se sợi như bánh tằm chứ không ép bột vào lá theo đúng kiểu bánh lá mơ của nó.
Hồi xưa lá mơ mọc đầy các bờ rào xung quanh vườn, vườn rộng thênh thang sợ trẻ nhỏ gặp phải rắn rít (rết) người lớn thường dọn dẹp sạch mấy loài dây leo vướn víu này. Nhưng sức sống hoang dại của dây mơ thật mạnh mẽ, nó lại hồi sinh sau những lần bị chặt trụi tận gốc như vậy. Và người lớn lại hái lá mơ làm bánh cho trẻ nhỏ ăn ( trong đó có tui :D)
Lá mơ xanh này không phải loại mơ lông gắn liền với món .. thịt cầy đâu nghen, nó có tên gọi riêng " lá thúi địt" ..hehe .. dân gian gọi vậy đó, tên gọi cũng nói lên bản chất của cái loài lá khó ngửi, mà nấu lên thì thơm chứ không còn "thúi" nữa đâu.
Thời trẻ con, anh chị em bà con xúm xít nhau phụ ngoại làm bánh, giờ chẳng còn một ai. Chỉ còn bà ngoại thui thủi một mình, con cháu mỗi đứa một nơi học hành rồi làm ăn chỗ xứ lạ quê người, nhiều lắm thì đôi lần về thăm ngoại ngày giỗ, tết. Tui cũng vậy, đi lang thang rày đây mai đó, hễ về nhà ngoại là vẫn còn cảm giác mình bé bỏng như ngày nào, bởi ngoại đối đãi với tui y chang chục năm về trước..
Nói với ngoại rằng thèm ăn bánh lá mơ, mà không thích ăn bánh ở chợ đâu. Vậy là bỏ một buổi trưa, hai bà cháu cùng nhau làm bánh. Lấy gạo đong 4 lon sữa bò đem ngâm nước ấm để lát nữa xay, thêm vào tí muối, rồi ra vườn hái lá mơ.
Ngoại gần 90 tuổi rồi, mắt ngoại còn sáng, răng không sâu cây nào đâu nghen ( chả bù con cháu này cứ đi nha sĩ suốt ngày ). Tui hỏi bí quyết sống khỏe, ngoại nói sáng 4h thức dây tập thể dục, nấu đồ ăn nhẹ, uống ít cà phê và trà, đi tắm, làm việc nhà. Tự chăm sóc bản thân bằng cây cỏ xung quanh. 
Thiệt ra là ngoại trồng cả một vườn thuốc nam nho nhỏ, thi thoảng tui vẫn thả 2 con thỏ đi chơi thì tụi nó cứ đâm đầu vào khu vườn này mà đánh chén. Ngoại biết nhưng cũng thương thỏ nên không rầy la, đến lúc phát hiện tụi này toàn ăn đọt non của cây thuốc, mà đến giờ này thì thấy tác hại của tụi nó rồi nên không thả rong nữa, ngoại nói thuốc còn nhiều cứ cho tụi nó ăn đi, thương ngoại ghê..


Lá mơ xanh mọc ở bờ rào

Ra vườn hái chút là có ngay một mớ lá xanh mượt "thơm" banh mũi. Vườn nhà vẫn còn rộng thênh thang.. Khác hồi xưa ở chỗ không còn mấy chục gốc xoài, cây trâm, cây ổi, cây bình bát.. Cây dừa còn già xơ xác mướp thì mấy cây kia chết vì bão lụt từ đời nào rồi. Khác nữa là bên ngoài rào, người ta xây nhà chen chúc lẫn nhau không còn đất để thở, nhìn lại đất vườn giữa phố chợ này bỗng hiếm hoi thiệt!

Rổ hái lá mơ là rổ đan bằng tre, là vật sắp bị xóa sổ khỏi thời kì đồ nhựa rồi.
Bánh lá mơ thì phải có nước cốt dừa. Nói chung các loại bánh của dân miền Tây Nam Bộ, bánh nào cũng có nước cốt dừa, như bánh tây thì phải đi đôi với bơ - sữa vậy. Dừa khô tự rụng, ngoại ra vườn gom vào để trong góc nhà có dịp thì xài, nhiều quá lại bán bớt đi. Ngoại kêu ra ngoài lấy một trái đem vô lột vỏ.
Lột vỏ dừa khô không phải cậy khỏe, mà phải biết cách lột mới ra, mà dĩ nhiên yếu tay quá thì lột cũng không được luôn.

Dừa lột vỏ, đập bể đôi gáo bỏ nước lấy cơm trắng ( cùi dừa)
 Nước của trái dừa khô lạt nhách, bởi chất dinh dưỡng đã ngấm vào nuôi cơm dừa hết rồi. Dân miền Tây chẳng mấy ai tận dụng loại nước này để uống hay làm món ăn, vì nấu sẽ bị hôi dầu mất vị món ăn hết á.

Ngoại giã lá mơ bằng cối, chày gỗ

Không ngẫu nhiên mà người ta thái cá làm sushi phải bằng con dao tre cực bén, chất liệu dùng để đựng món ăn trong khâu chế biến không kém phần quan trọng đâu. Như cá kho tộ phải trong cái nồi đất, nấu thuốc phải là cái siêu bằng gốm, đất nung.. Thường thì nguyên liệu tổng hợp (nhựa), kim loại .. khi gặp nhiệt hay va chạm mạnh sẽ sinh ra mùi vị lạ, và cả độc tố nữa.


Nạo dừa bằng bàn nạo bằng tay.

Nhà không thiếu máy ép, máy xay sinh tố, xay bột, nạo dừa... mà lâu lâu làm lại thủ công cho nó .. thi vị, nó thơm ngon, rồi hai bà cháu cũng có thời gian vừa làm vừa kể chuyện cho nhau nghe.
Mẹ tui nấu rất ngon các loại thức ăn mặn, thường hay nấu. Bà ngoại hay làm các loại bánh truyền thống, và thường hay làm. Hỏi ra mới biết còn nhiều loại bánh mà bữa nào rảnh, qua ngoại học hỏi thêm, dù làm vất vả mà ăn có bao nhiêu.

Dừa đã được nạo xong
Dừa nạo xong vắt nước cốt, cho thêm chút bột bắc lên trên bếp để nhỏ lửa, khuấy đảo liên tục đều tay, thêm đường muối vào, khi sôi nhắc xuống cho hành lá xắt nhỏ bỏ vô.. là xong món nước cốt dừa.
Bánh lá mơ thường được nắn bằng lá dừa tươi hoặc lá chuối tươi. Nhưng cây dừa cao quá, hai bà cháu sao mà leo lên được, chuối thì còn vài tàu, cắt đi tội nghiệp thân nó. Tui nói với ngoại cái vườn lá dứa phía sau, nó cũng giống lá dừa, sao không thử nắn bằng lá dứa, vậy là ngoại gật đầu cái rụp. Đi cắt lá dứa thôi...

Lá dứa.

Cối đá này có từ lúc tui chưa sinh ra đời nữa, lúc nhỏ đã được ăn biết bao nhiêu loại bánh từ bột của nó ra. Bột có sẵn đầy ngoài chợ, siêu thị. Nhưng tui thích bột tự làm hơn, vì biết được loại gạo mình dùng là gạo gì, hợp với loại bánh nào ( gạo dẻo vừa, siêu dẻo, gạo nở xốp, ..)  Gạo cho vào xay phải đổ từ từ từng muỗng canh nó mới mịn, không bị "sống" bột. Rồi dùng túi vải mịn cho vào cột chặt, ép lại cho ra hết nước sẽ được bột (bồng bột).
Bốn lon sữa bò xay mỏi tay luôn à, vậy nên khâm phục hồi xưa các bà các mẹ làm bánh, làm mọi thứ đều bằng tay, như các bà, các mẹ ở bên Tây nhồi bánh mì bằng tay ... không chỉ là sự khéo léo mà cần sức lực thực sự đó. ( Không tin bữa nào liên hệ với tui, cho xay bột bằng cối cho biết nhen)

Cối đá xay bột

Bột thành phẩm sẽ được trộn với nước lá mơ ( giã ra hồi nãy), công thức của ngoại là không dùng cả xác lá mơ như người ta bán ( nhằm tạo màu sẫm cho bánh ). Bột nhồi cho thiệt vừa nắn, không chảy giọt cũng không khô. Theo ngoại thì loại gạo này là gạo dẻo nên khi chín bánh sẽ dẻo hơi giống bột nếp, loại này tốt nhất là dùng gạo không dẻo.

Bột nhồi nước lá mơ

Lá dứa cắt sạch 2 đầu, lấy phần thân lớn ở giữa, dùng tay vê bột ém chặt vào, đều và mỏng. Cái này không cần phải kín mặt lá, thi thoảng cho nó lủng lỗ, đứt đoạn mà hấp lên sẽ thơm ngon hơn nếu ém đều. Xong rồi đặt lên xửng hấp, cũng hấp bằng bếp củi luôn.
Bột được nắn vào lá trước khi bỏ lên hấp.

Hấp khoảng 15 phút sau là bánh chín, hai bà cháu nắn đầy 3 xửng như vậy mới hết bột. Đợi bánh nguội rồi lột ra bỏ vô thau. Tui vừa lột vừa cạp tại chỗ, khỏi chan nước dừa hehe. Bột tự làm nó khác bột chợ nhiều lắm, có vị ngọt đậm tự nhiên, bột ngoài chợ vị ngọt là zero.
Bánh lá mơ chín rồi đây.
Xúc bánh ra dĩa, cho nước cốt dừa vào. Ăn thơm mùi lá mơ, còn cả mùi lá dứa nữa, bột cũng thiệt là ngon. Vậy là bỏ một buổi trưa ra để tìm về hương vị quê nhà, của một đồng, công một lượng là vậy. Sau khi làm bánh, tui lăn ra ngủ khò khò ngay vì từ ngày hôm qua đến giờ vẫn chưa ngủ. Khi tỉnh dậy thấy bánh đã sắp hết, còn 1 dĩa cho tui thôi ( mẹ chia cho bà con cô bác ăn)
Thời kỳ hiện đại, cứ ra chợ hay siêu thị gần nhà thì mua bánh gì cũng có, nhưng sao tui không cảm được vị ngon. Có lẽ món ăn ngon nhờ nhiều yếu tố lắm, từ người thân yêu làm ra món ăn, từ kí ức tuổi thơ, món ăn với công thức đầu tiên luôn là món ăn ngon nhất.
Như món bánh khọt miền Tây béo ngậy, phía trên có chút nước cốt dừa ăn đã quen, lần đầu ăn bánh khọt Vũng Tàu lại thấy sao mà khó ăn, khó cảm đến thế. Cũng như món ăn miền Nam luôn ngọt ngào thêm đường, món miền Bắc lại nhiều bột ngọt... Nói lung tung qua văn hóa ẩm thực vùng miền rồi, tiện dịp nói sau vậy. ^^


No comments:

Post a Comment