4.9.11

Phú Quốc ngày mưa to, và 9 cô gái. :D

Định viết và đăng hình trên Facebook, nhưng mà không thể nào tải lên nổi, nên mượn tạm nhà tui viết vậy. Hình cá nhân đã share cho mọi người hết rồi, giờ chỉ show hình chung chung, và viết một chút, mặc dù đang bệnh vật vã đây.
Phú Quốc có diện tích, dân số, lịch sử, bao nhiêu danh lam thắng cảnh gì đó, tự tra sẽ đầy đủ nhé, còn ở đây mình viết phát sinh nhiều thứ và thiếu nhiều thứ lắm. :))

Đảo Phú Quốc. Ảnh: Bokitran

Ảnh: Bokitran

Chúng ta đã đi vào những ngày mưa.
Biển không xanh, nắng không vàng, và dân chơi nào sợ, mưa cứ rơi đi.:D
Nói nhẹ nhàng vậy đó, thực ra là mưa rất nhiều, thêm cả bão luôn ấy. Ngay từ giờ ra bến xe từ Sài Gòn về Rạch Giá, mưa tầm tã, mưa triền miên, mưa kéo dài từ Sài Gòn, Rạch Giá ra Phú Quốc, và mưa kết thúc khi chúng ta rời khỏi hòn đảo ấy. Phải chăng trời thương chị em mình bị đen nên cho mây mù che phủ? Về nhà còn giật mình hơn khi báo đài đưa tin Phú Quốc bị mưa đến lụt lội. (cái này thì nói quá!)
Nghĩa là vì mưa, nên hình ảnh thất thu kinh khủng, kem chống nắng không được động đến, mà lại thiếu đồ che mưa.
Để bảo vệ cái máy ảnh khỏi môi trường nước mưa với nước muối, buột lòng cho nó nghỉ ngơi dài dài, còn chủ nhân lại tha hồ ngắm mưa, ăn uống no say. Ừ thì mưa cũng đẹp, ngắm mưa nhé..

Giọt mưa qua ô cửa. Ảnh: Bokitran.

Mưa trên chuyến xe đêm. Ảnh: Bokitran
Mưa rơi. Ảnh: Bokitran


Chúng ta đã bắt đầu đến với đảo như thế nào?
Bản thân người viết blog này thì không có dự định đi. Do vé tàu, vé phòng đã book sẵn từ lâu rồi, mà lại được free nên thôi đành đi theo luôn, bỏ giấc mơ ngủ nướng 3 ngày ở nhà. Biết rằng mùa mưa sẽ gặp mưa, mà ai ngờ mưa quá dữ dội. Không được lang thang săn ảnh như đã dự định, không được đi ngắm địa lan.. Nhưng đến nay thì không hối hận vì đã học được 3 sàn khôn ( Đi một ngày đàng học một sàn khôn, ta đi 3 ngày sẽ được 3 sàn chứ nhỉ! )
Bé Đan, quê nhà gốc Cà Mau, người cũng không có dự định nhưng mà nghe tin đến Rạch Giá rồi ra biển, nên đã quyết định chóng vánh đi luôn ( Đọc tiểu thuyết thám hiểm nhiều quá nên “máu” lắm !), bạn cùng lớp Đan là Yến, 2 Bác sĩ tương lai.
Em Linh dễ thương cùng bé đại gia Phương Anh là người chuyên bào chế độc dược ( gọi tắt là dược sĩ :D) Nhân tiện qua chuyến đi này cũng là dịp để tống tiễn Phương Anh đi du học Pháp- làm phù thủy bào chế cấp cao. =))
Tiếp theo là chị Linh, làm bên ngành du lịch, bạn học của chị Xuân. Khi ra đến đảo họ sẽ gặp tour guide là Trang, cả 3 cùng học chung lò du lịch ra.
Và cuối cùng là chị Lan Anh dễ thương, nhí nhảnh đến từ Buôn Mê - đì zai nơ  trong ngành may.

Từ trái qua: Chị Xuân, Phương Anh, Yến, Đan, chị Lan Anh, chị Linh, em Linh. Ảnh: Bokitran.

Muôn trùng biển khơi, con tàu lướt sóng đi qua hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ khác..
Lần đầu tiên mình đi tàu ra Phú Quốc, có lẽ nó chẳng khác với những con tàu mình đã đi. Nhưng hôm nay trời có mưa giông, cảm giác như đang chơi trò mạo hiểm trên mặt sóng vậy. Nếu đi tàu mà chỉ ngồi trong khoang thì sao ngắm được cái tinh hoa của trời đất. Mặt dù mưa to nhưng biển vẫn một màu ngọc bích ( không phải xanh màu trời ), quan trọng hơn hết phải biết cách .. giữ thăng bằng. Ai mà không có gì để bấu víu thì sớm muộn gì cũng .. rời khỏi tàu mà ở lại với biển thôi.
Dù cả đám chỉ toàn thân con gái yếu đuối ( haha hehe ), mà đúng là “gấu” quá, chẳng ai ngại mưa, gió, thi thoảng nước biển táp vào mặt mặn chát, cũng ngang nhiên lãm cảnh, pô hình cứ như trời quang mây tạnh vậy…
Đảo mờ xa trong sóng gió, và mưa từ ô kính tàu. Ảnh: Bokitran
Xem có vẻ phỡn vậy đó, chứ gió mạnh và người nào cũng phải cố giữ thăng bằng. Ảnh: Bokitran
Đi ngang qua rất nhiều đảo giữa đại dương rộng lớn.  Ảnh: Bokitran
Hòn Nghệ. Ảnh: Bokitran
Một hòn đảo nhỏ xinh như hòn non bộ. Ảnh: Bokitran
Chiếc tàu đang đi cũng giống như vậy, tên SuperDong 4. Ảnh. Bokitran

Nhìn thấy nhà máy xi măng Holcim ở vịnh Kiên Lương. Ảnh: Bokitran

Biển động, chiếc tàu đánh cá này có lúc như bị biển nhấn chìm rồi lại trồi lên. Nhưng khi zoom ảnh thì thấy anh chàng cầm gương mà .. nặn mụn. :D Ảnh: Bokitran
Bonus vài hình ảnh chụp từ máy bay hồi 9 tháng trước.

Cửa biển Rạch Giá. Ảnh: Bokitran
Bán đảo hòn Chông - Hà Tiên.

Đảo Ngọc hiện ra, con đường “ đất lắc” dẫn ta về nơi ở.

Mưa và mây mù bao trùm trên đảo. Ảnh: Bokitran
Làng chài ven biển. Ảnh: Bokitran
Cầu càng tàu khách An Thới. Ảnh: Bokitran
Chú tài xế ra đón 8 cô nương trên chiếc xe 15 chỗ. Từ đây, xe và người sẽ cùng nhau đi suốt hành trình 3 ngày ở đảo. Đoạn đường hơn mười cây số dẫn về thị trấn Dương Đông thiệt là hoang sơ, hoang dã: Đất đỏ thơm lành mùi bùn quyện nước mưa, cây dại mọc đầy cứ như đang tiến vào khu rừng nào đó. Quan trọng nhất, nó sẽ có tên là “đất lắc”, vì đường đất mà lắc quá trời, ổ voi chứ rất hiếm có ổ gà.
Trước khi đến cái nhà nghỉ xinh xắn nằm ngay trung tâm phố Dương Đông, cả đoàn dừng lại ăn trưa, gọi là gọn nhẹ, với lẩu cá bốp, gỏi xoài hải sản, cá thu chiên. Xin lưu ý là ở chuyến đi này, mọi thứ liên quan đến ẩm thực hầu như không có hình ảnh, vì phó nháy bận ăn rồi. :D

Thêm vài hình ảnh tươi xanh của ngày nắng.

Ảnh: Bokitran


Thị trấn Dương Đông - Phú Quốc. Ảnh: Bokitran
Cửa biển Dương Đông - Phú Quốc. Ảnh: Bokitran
Thăm nhà thùng làm nước mắm Khải Hoàn.

Ảnh: Bokitran
 Nơi này có hàng trăm thùng nước mắm, gỗ cây được đẽo từ loại gỗ truyền thống, cực bền, các chốt làm bằng gỗ cây ổi rừng, và đai thùng bện bằng dây mây già. Thùng chứa được hơn 12- 15 tấn cá cơm.
Cá cơm ở vùng biển Phú Quốc là loại cá cơm cho đạm rất cao ( hoặc tùy theo lứa cá cơm mà lượng đạm có hơn kém nhau một chút). Cá vừa được đánh bắt, sẽ được ngư dân ủ ngay trên tàu. Cứ 1kg cá sẽ trộn đều với 3kg muối, và đem về nhà thùng trong đất liền.

Từ thùng gỗ, mắm nhì sẽ được lưu dẫn qua thùng nhựa xanh. Ảnh: Bokitran
Nhí nhảnh dễ sợ ^^! Ảnh: Bokitran
Cây dừa đẹp quá :D  Ảnh: Bokitran
Ngoài nước mắm, Khải Hoàn còn có đầy đủ các loại hải sản khô. Ảnh: Bokitran

Tại nhà thùng, cá cơm sẽ được ủ trong 12 tháng với môi trường đảm bảo ổn định. Bên trên thùng sẽ có vỉ ém chặt, hỗn hợp cá cơm và muối sẽ cho ra nước nổi lên trên mặt, rồi sau đó ngấm dần ngược lại từng lớp cá, đến tận đáy thùng. Và sau 1 năm sẽ cho ra nước mắm cốt nhỉ.
Thông thường nước mắm có độ đạm tự nhiên, cao chỉ đạt đến 35% độ đạm, bởi dù đạm cá có cao lắm thì trong quá trình ủ, đạm đã bị phân hủy một phần. Thế nên những loại nước mắm có độ đạm 60% trở lên, là bỏ thêm đạm, chất hóa học vào. Không phải đạm cao là nước mắm ngon và bổ như mọi người thường nghĩ.
Có lần được người quen cho nước mắm Phan Thiết, đạm có đến hơn 60%, chấm vào tê cả miệng, vậy mới gọi là nước mắm ngon. Nhưng với nước mắm Phú Quốc thì chẳng có tê tí nào, mà lại rất thơm ngon, dĩ nhiên sẽ bổ dưỡng vì nó là sản phẩm tự nhiên mà.
Mỗi thương hiệu nước mắm Phú Quốc sẽ có mỗi hương vị đặc trưng khác nhau, dựa vào công thức sau chế biến nước mắm nhỉ, đó là bí quyết gia truyền của mỗi dòng họ để lại cho con cháu.


Vào vườn tiêu, thấy cây ổi, cây cau và ta bẻ trái khế ^^
 
Hồ tiêu Phú Quốc có tiếng thơm ngon, cay nồng là nhờ vào thổ nhưỡng, và bón gốc bằng bã cá phân.
Tiêu được chia thành nhiều loại thành phẩm: Tiêu xanh ( tiêu còn non ), tiêu già phơi nguyên vỏ ( đen), và tiêu đã bóc vỏ ( tiêu sọ trắng).
Trước khi bước vào vườn tiêu, mọi người xuýt xoa trước cây ổi, và dây trầu quấn lấy thân cau như trong truyện cổ tích.

Trầu - cau. Ảnh: Bokitran

Có một đoàn khác cũng đến thăm vườn tiêu. Anh tour guide bên đó nhanh nhảu dắt mấy đứa trẻ của đoàn đến gốc tiêu bảo rằng: “Các em có xem chương trình thi Chung sức không? Trong chương trình đó có câu hỏi rằng, hồ tiêu thuộc loại thân dây leo phải không.” Không đợi ai trả lời, anh ta tiếp tục: “ Đáp án của chương trình đó đưa ra cây hồ tiêu là thân leo, điều đó không đúng đâu các em! Hồ tiêu là thân thảo!”

Hồ tiêu. Ảnh: Papa của Boki  :D

Cả đám 9 cô gái ngẩn tò te, nhìn vào bụi sim kế bên cái dây hồ tiêu leo cao chót vót.. Trang tour guide ngớ ra, là dân đảo bao năm sao không biết vụ này. Còn các nhà thực vật học cũng nín khe, chẳng lẽ mình nhầm lẫn thật sao.
Một thằng thân thảo và một thằng thân leo sao có thể lẫn được, có trường hợp đặc biệt à? Đến nay về tra sử sách, khoa học và cổ tích thì mình đưa ra kết luận: Chân lý vẫn là chân lý, hồ tiêu là thân leo, còn ông tour guide đó đầu độc con nít lẫn phụ huynh!
Sau khi mua một ít tiêu, mọi người phát hiện ra .. cây khế.
Các chị gái xinh đẹp. :D  Ảnh: Bokitran
Ăn khế trả vàng nhé, khế này ngọt lắm đây. Ảnh: Bokitran

Khế mini. Ảnh: Bokitran
Nở hoa từ nền xi măng, nể cây dừa cạn này ghê.. Ảnh: Bokitran

Ngày xưa người ta làm cọc cho dây tiêu leo bằng cọc gỗ, dây sẽ bám và lấy được một ít dinh dưỡng, nước từ cọc. Ngày nay hầu hết người trồng tiêu thay cọc gỗ thành cọc bê tông, cọc đá cho bền chắc hơn.

Thăm làng chài, làng chài hiện đại quá, chỉ thấy một cái cầu bê tông ra cảng.
Thế nên đừng ai thắc mắc làng chài sao không có hình ảnh có vẻ truyền thống. Lúc đầu mọi người hình dung những chiếc tàu trên bãi cát trắng, vài chiếc ghe đưa cá vào bờ, ít nhất cũng có người làm gì đó liên quan đến tôm,cá, với lưới, thúng câu mực …
Ở đây, xe chạy ra vô vèo vèo, tải cá từ tít xa đầu cầu bến cảng, chạy vào trong đất liền bủa ra chợ cho kịp tươi. Chúng ta chỉ còn những hình ảnh như thế này thôi..

Đặc sản của đảo. Ảnh: Bokitran
Đại gia có vẻ mê mấy con cá ngựa này rồi. Ảnh: Bokitran
Tấm hình này có mình hehe. Ảnh: Lan Anh
3 cô gái du lịch - có đào tạo. Ảnh: Lan Anh

Bà lão ngâm mình trong nước như vậy để đi mò nghêu, sò. Cái chai doctor Thanh buộc bên cái thùng khoét rỗng đó là bà nhặt được để bán ve chai. Mình hỏi bà mò mất bao lâu được nhiêu đó. Bà trả lời 2 ngày! Một kí 6 ngàn thôi, mua giúp bà đi. Giúp bà bằng 20 ngàn, chứ không mua. Bà cảm ơn, bảo rằng đến nhá nhem tối mới về nhà được. Mình nhìn cái khí trời mưa bão, nước biển nông lạnh toát thế kia, sức bà kham đến bao giờ?

Hai ngày mới mò được chừng ấy nghêu. Ảnh: Bokitran


Suối Tranh chẳng những có thác chảy ầm ầm, mà mưa cũng rả rít không thôi.
Hôm trước nghe em nào bảo rằng, suối Tranh tên gọi như vậy là bởi vì suối đẹp như Tranh. Lướt qua các diễn đàn du lịch cũng thế.
Thực ra tên đó bắt nguồn từ khu vực quanh suối có rất nhiều cây cỏ tranh mọc vây quanh, nên người dân gọi là suối Tranh. Từ ghềnh thác cao, dòng nước chảy dài quanh khu rừng già, đủ loại thực vật đan xen, nhất là những loại cây rừng to cao, dây leo chằn chịt.

Ảnh: Bokitran
Ảnh: Bokitran

Suối Tranh. Ảnh: Bokitran


Ghềnh thác trào bọt trắng xóa, có đoạn dòng chảy chậm chạp hiền hòa qua những tảng đá bám đầy rêu phủ. Dù sao mùa mưa đến suối Tranh vẫn tốt hơn nhiều so với mùa khô, lúc đó suối chẳng có nước để ngắm đâu.
Dưới suối Tranh. Ảnh: Bokitran
Cá mòi 3 cô gái :)) Ảnh: Bokitran
Đại gia đang làm gì thế nhỉ?  :)) Ảnh: Bokitran

Lấp lánh dưới đèn flash.. đang mưa không có mặt trời. Ảnh: Bokitran
Rêu. Ảnh: Bokitran
Hạt xòe :D Ảnh: Bokitran
Nấm. Ảnh: Bokitran
Người đem máy ảnh phải khổ vậy nè. =.=


Hùng Long tự , bóng cây kơ nia 300 năm tuổi.
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân xuống đây không phải là đồi sim thơ mộng trước khi vào chùa như đã được biết, mà là chị bán nhang, đồ lưu niệm đang gãy đàn bầu mặc cả trời mưa lâm râm.
Chị được ủng hộ một bó nhang. Khi còn đang tặc lưỡi thương thân cho chị, mình bước lên cầu thang ngoáy đầu xuống, thấy chị tắt cassette cái rụp, tiếng đàn cũng mất theo. Ừ thôi thì chẳng có cái khổ nào giống cái khổ nào, số chị vẫn đáng thương sao …

Có cái đập vào mắt choáng nhất là bức tượng Phật Di Lặc cao to bên .. 5 đứa bé. Theo mình được biết thì phải 6 đứa mới đúng, sao tìm hoài vẫn chỉ có 5. Còn ông Phật, miệng cười son đỏ chóe, mắt xanh như búp bê Barbie. ^^! Thế nên đã vào cửa Thanh tịnh cũng thôi chẳng chụp chi chân dung của Phật, vái chào Quan Thế Âm Bồ Tát rồi đi tản vài vòng, cả đoàn tiến đến cây kơ nia 300 năm tuổi.

Sen nhà Phật. Ảnh: Bokitran
Lan hài mọc rất nhiều ở Phú Quốc, đủ chủng loại. Dù rất thích nhưng không ai nỡ cho em xa môi trường tự nhiên. Sống tốt em nhé! :D Ảnh: Bokitran

Trừ tour guide Trang ra, 8 đứa còn lại chưa thấy cây kơ nia ra sao , 3 đứa Lâm Đồng, 1 chị Buôn Mê cũng vậy. Mọi người đùa, dân Đắk Lắk phải ra tận đảo Phú Quốc xem cây kơ nia! :D
Phật thiền dưới bóng Kơ nia 300 tuổi :D Ảnh: Bokitran
Trái Kơ-nia rụng đầy gốc, chú trông chùa bảo rằng nó có thể ăn được, nhân trái đem ngâm rồi sên lên, ăn như .. mứt bàng. Thiệt tình hồi đó giờ cũng nghe nhắc món mứt bàng ngoài Côn Đảo, chứ có được ăn đâu..

Loai quả 300 năm này ăn có trường sinh không? ^^ Ảnh: Bokitran

Chú chỉ Ông Hổ đang nằm ở nơi này. Đó là một tảng đá có hình dáng của chú hổ, được vẽ thêm vằn vện lên cho giống hơn để người xa không phạm úy. Ông Hổ rất linh, ai ngồi hay trèo lên người ông, đêm về sẽ bị quở. Sau này thì vía ông bay mất rồi, không còn linh như xưa nữa.
Tour guide Trang kể, khi động thổ lập chùa, người ta phát hiện ra tảng đá này, và lập hương thờ cúng. Điều này thường gặp ở những nơi rừng thiêng đầy hùm dữ, ông Hổ như oai linh che chở cho người dân.
Tự dưng nhớ đến papa, lúc đi qua khu hòn Me, cũng có tảng đá ông Hổ như vậy, papa nói hổ gì mà vẽ còn thua con mèo, nhìn mắc cười chứ ai mà sợ ổng. ^^!

Chợ đêm, ăn đến ngập mặt và Cà phê gió. (không hình ảnh vì bận ăn nhé!)
Đợi bếp làm hải sản, ta đánh chén trước món bánh mì nướng bơ tỏi.
Cái bánh xèo thịt gà đầy ắp, chiên bằng bơ cứng, mùi vị hợp với .. phương Tây vô cùng.
Sau đó là cồi biên mai, cồi chôm nướng.
Cá hồng bạc ướp nướng.
Cơm chiên ghẹ.
Cá hồng super to ( gần hết nửa cái bàn ) cuộn bánh tráng.
Kể có vẻ ngắn gọn, mà kỳ thực món nào cũng đầy ăm ắp, 9 cái miệng cố gắng ăn ( vừa ăn vừa ước ao phải chi có một thằng con trai thôi :D ).. Ăn đến nỗi ai cũng thề là từ hôm nay sẽ sợ cá! ( vậy chứ qua hôm sau cũng ăn tiếp à hehe )
Sinh tố bơ kỳ dị
Món lạ lùng nhất đó là .. sinh tố bơ của tui: Ly bơ màu nâu trong veo cùng đá nhuyễn!
Kêu con bé lại hỏi: “Này là gì vậy em, gọi bơ mà?”
Nó đi bê cái ly vào rồi đi ra, cũng là ly bơ nâu: “Dạ, anh chủ nói cái này là bơ!”
Chị Xuân hỏi: “Em xay bằng gì?” ( từ trái gì ra :D )
Bé: “Em xay bằng .. cối xay sinh tố” =))
Tui: “ Cho chị mượn trái bơ của em nhen!”
Con bé đi vào lấy trái bơ, cả đám đang tưởng tượng chắc đây là loại bơ của đảo nên khác với đất liền. Nhưng trái bơ cũng bình thường mà, có thịt màu xanh, vỏ nâu nhạt.
Cả đám đưa ra giả thuyết: Cối xay dính sô cô la, sa pô chê, bị xay lẫn chút vỏ, hoặc trái bơ bị .. thúi :D
Mà nếu thế thì phải có mùi cảu thứ bị lẫn vào, đằng này theo như bé Yến nếm thử thì có vị bơ ở xa xăm lắm …
Tóm lại chẳng biết tại sao cái đó lại là sinh tố bơ. @@

Lê lết ( vì quá no) đến quán cà phê gió ( vì quá nhiều gió) ở Dinh Cậu.
Nếu là ban ngày thì góc này nhìn ra biển rất tuyệt, ban đêm chỉ cảm nhận được gió. Gió thổi bay đổ tùm lum thứ, mỗi người gọi cho mình thức uống rồi ung dung ngắm biển đêm ( tối thui có gì đâu mà ngắm, tưởng tượng thôi).
Vài người bước xuống dạo biển đêm trên bờ cát .. đêm.
Còn lại chị Linh và mình ngồi xem ảnh chụp.
Gió và mưa đến. Quán này có vách trống cỡ 70%, gió và mưa cứ thế thổi vào mặc cho tấm bạt che chắn ..
Lạnh, và mưa gió buốt da buốt thịt bên ly cà phê ( mà không thể nào rời khỏi quán) …là cảm giác rất Biển cho chuyến đi này!

Ảnh: Bokitran
Ảnh: Bokitran

Dinh Cậu buổi sáng. Ảnh: Bokitran
Biển xanh trong. Ảnh: Bokitran
Cà phê gió biển. Ảnh: Bokitran
Cửa biển Dinh Cậu. Ảnh: Bokitran


Đến nơi làm rượu sim: “ Anh ơi cho loại nặng hơn đi..”

Cũng là trời mưa của ngày thứ hai trên đảo, đến thăm cơ sở sản xuất rượu sim Sim Sơn.
Thưởng thức rượu sim. Ảnh: Bokitran

Có lẽ chủ hàng hơi thất vọng bởi khách toàn là nữ! Sau khi được giới thiệu uống mật sim ( sim lên men nguyên chất không pha chế thêm), các nàng đòi uống loại nặng hơn, nghĩa là rượu vang sim, pha thêm rượu gốc.
Chè chén no nê, chắc hết cả lít của người ta ấy.. rồi ai cũng tay xách nách mang rượu về làm quà!
Các cô gái và con ó biển :)) Ảnh: Bokitran
Ta cùng ngắm mưa, nhé ông! Ảnh: Bokitran
Mưa xinh xắn không nào. Ảnh: Bokitran
Ảnh: Bokitran

Ra thăm nhà xưởng sản xuất rượu và vườn sim.
Ô che mưa. Ảnh: Bokitran
Chăm chú dữ hen, định học lỏm nghề đây mà. Ảnh: Bokitran
Anh chủ đang kể về quy trình sản xuất rượu sim. Ngày xưa người ta cho ngâm sim vào những cái chum sành lớn. Ngày nay do nhu cầu cao, nên chum sành được thay thế bằng bồn inox như thế này. Trong quá trình ngâm ủ cùng với đường, sim sẽ lên men tự nhiên thành mật sim. Khi mật sim pha loãng thêm với rượu thì gọi là rượu sim. Anh còn nói thêm, nếu những nơi bên ngoài, người ta ủ sim lên men cùng với đường bằng những hủ nhỏ, hoặc trái sim giã ra pha rượu thì cũng không nên gọi là rượu sim.
Rượu sim Phú Quốc phải là được lên men, đúng thời gian và được ủ ở nhiệt độ cao, nhằm cho trái sim ra hết dưỡng chất hòa vào nước. (Theo mình nghĩ thì do cái bồn to, sim lên men sẽ sinh ra nhiệt nhiều hơn so với những người ngâm sim bằng cái hũ nhỏ.)
Ngoài sim, nơi đây còn sản xuất rượu trái mỏ quạ, quy trình gần giống rượu sim. Trái mỏ quạ được nhập khẩu từ Campuchia, chứ trái mỏ quạ trên đảo đang dần trở nên cạn kiệt rồi.

Vườn sim. Ảnh: Bokitran
Trái sim. Ảnh: Bokitran
Lu ngâm trái gì chẳng rõ, vì không được giới thiệu. Ảnh: Bokitran

Khi nào em giàu có, em sẽ mua!
Thăm nơi nuôi cấy ngọc trai. :D
Và họ có một nhà trưng bày, bán các loại nữ trang làm từ ngọc trai, ngọc trai hạt. Có viên rẻ thì cũng tầm 200-400 ngàn đồng, đắt hơn thì cứ lần từ từ.. đến con số vài chục triệu đồng.
Khi có đoàn khách nào đến, người ta sẽ cạy lấy ngọc cho mình xem, và giải thích sơ về việc hình thành viên ngọc cùng với nuôi trồng con trai lấy ngọc sẽ như thế nào. Ảnh: Bokitran
Biển sóng dữ dội. Người mẫu là pé Yến. Ảnh: Bokitran

Nhưng cuối cùng có vài người chọn mua được những món quà vừa ý và hợp túi tiền dành cho các bà mẹ yêu dấu.
Riêng bản thân mình thì ước gì được viên ngọc trai đen giá 30 triệu kia, trông long lanh quá đi.. đẹp mê mẩn! Không dùng thì cà thành bột để dành đắp mặt, hoho

Ảnh: Bokitran

Đi câu cá phía Nam đảo.

Ảnh: Bokitran
Ảnh: Bokitran
Mùa này biển động dữ dội ở phía Bắc đảo ( Dương Đông), đi dần về hướng Đông Nam ( An Thới) sẽ thấy được biển bình yên một màu xanh biếc, phẳng lặng như tờ,( nhưng mà tờ này có mưa lâm râm.)

Trước khi ra biển, thấy em này. Ảnh: Bokitran

Ra tàu lớn bằng chiếc ghe nhỏ, bắt đầu chuyến du hành trên biển. Anh lái tàu nói dè dặt..” Để em cố gắng câu dính cá thử cho mấy chị xem, chứ giờ mưa lạnh, cá đi ngủ hết rồi..”
Vậy là ai cũng hiểu rằng, nếu tự câu dính cá, điều đó thật khó có thể xảy ra. Nhưng vốn dĩ không ai có số sát sinh, nên nhoẻn miệng cười tươi chứ không có buồn.
Mưa vẫn mưa rơi.. nhìn từ tàu vô. Ảnh: Bokitran
Đại gia và các kiều nữ. :)) Ảnh: Bokitran
Nước mưa đây, miễn phí nhen. Ảnh: Bokitran
Tàu ghé lồng nuôi hải sản trước khi ra khơi. Ảnh: Bokitran
Nhìn vậy chứ ướt mem hết rồi á.
Tạo dáng lạ quá đại gia!
hello biển. Ảnh: Bokitran
Lạnh quá đó mà :)) Ảnh: Bokitran
Ngư dân Cóc :D Ảnh: Bokitran
Ven mũi ông Đội. Ảnh: Bokitran
 Trên thuyền có 3 anh chạy tàu, kiêm phục phụ, bếp tất tần tật.. Các anh này bảo rằng 9 cô gái đi với nhau không sợ bị đem bán sao? :)) 
Biển trong xanh, không sóng dữ như ở Dương Đông. Trên những chỏm đá nhô ra, thi thoảng có người ngồi câu cá. Không câu nữa ( câu hoài có được cá đâu), tàu chạy thẳng đến giếng Tiên, nơi có dấu chân vua Gia Long, và chiếc ngai bằng đá của Ngài ở bờ biển.
Mỗi người một chiếc áo phao và một cặp kính bơi. Anh lái tàu dặn, mỗi kính đến hơn 700 ngàn, nên ráng mà giữ, lỡ rớt thì nói liền để mò giúp cho. ^^
Tàu không cập bờ được, mà phải nhờ một chiếc ghe nhỏ ra rước. Nên lên đảo này chẳng có hình ảnh gì, vì phải bơi và lặn biển nữa mà.
Cập bờ, bãi cát trắng phau. Giếng Tiên là một mạch nước ngọt lộ thiên, cứ chảy nước mãi không bao giờ ngưng nghỉ, dù là mùa hạn cũng vậy.
Dấu chân vua Gia Long to quá! Đó là dấu một chiếc giày khổng lồ trên tảng đá. Tour guide Trang nói, người xưa chân rất to. Người Việt có 2 chủng tộc, một là bé nhỏ, chủng tộc này là chân to, người tầm thước. ( Chưa tìm hiểu lại.) Có search ảnh Vua Gia Long, nhìn thì thấy ngài lớn người thật. Nhưng dấu chân thì thôi không bàn luôn..

Lặn biển, ngắm san hô và cá bơi bơi
Trời không nắng thì làm gì có ánh sáng lấp lánh xuyên qua làn nước biển này đây. Mà cá bơi nhiều thật! Cứ như là cái hồ cá kiểng khổng lồ vậy ^^! Ai cũng bị đá dăm, hàu cắt đứt chân te tua, chị Xuân bị thương nhiều nhất, phải mua băng cá nhân của anh ghe để cầm máu.
Riêng mình chẳng bị đâu, mang dép lào vừa bơi vừa lặn biển đấy, ta nói đẳng cấp pro nó vậy, haha.
Cái vụ thấy cá đẹp quá mà quên mình đang ở dưới biển thì hầu như ai cũng bị, nói quá trời, phát hiện đang tu ừng ực nước biển mặn chát mới trồi lên thở hỗn hễnh. :))
Mình thấy nhiều cá dĩa đẹp vô cùng, đủ màu sắc. Và từng đàn cá cơm bơi tung tăng .. ai nỡ đem tụi nó làm nước mắm vậy ta...
San hô không thể thấy rõ do không nắng, thấy nhiều nhất vẫn là các vỉa bông đá, những cây rong biển. À.. vuốt ve được con cá nữa nhen. ^^
Bơi lội mệt nghỉ. Quay trở về tàu với một ít bánh snack mua của cha con anh ghe. Con bé nhỏ xíu đi theo cha ra tận nơi hoang vu này, để bán chút bánh kẹo cho khách tham quan...
( Có ai để ý tui viết đến đây là đuối lắm rồi không.. mà viết cho hết để đi nghỉ, mệt quá rồi á hic hic.. bỏ dở thì sẽ không bao giờ viết tiếp, nên thôi đành viết @@)
Dáng đứng của siêu mẫu Lan Anh :))


Một bữa ăn ngập ghẹ :D

 Mọi người trở lại tàu vừa thưởng thức các món ăn, vừa ngắm biển chiều trong khi tàu chạy chầm chậm về đất liền. Anh ghe cùng đứa con gái nhỏ cũng đang trên đường về  nhà. Anh lái tàu nói, xưa kia anh ghe bị bệnh nặng lắm, ra đây vái lạy Vua sao mà hết cả bệnh, rồi anh ra đây làm nghề đưa rước khách vào khu giếng Tiên, và chăm sóc cho di tích của nhà Vua, cùng miếu cá Ông.
Món chấm đặc biệt dành cho hải sản.
Có loại nước chấm rất ngon để ăn món cầu gai nướng mỡ hành. Lúc đầu mình nghĩ là có sữa trong đó, vì thấy có màu trắng đục lại beo béo. Thỏ thẻ hỏi bí kíp thì được mách rằng, chỉ cần chanh tươi đánh bông lên cùng với .. bột ngọt, thêm muối bọt, chút đường, ớt .. sẽ có thứ nước chấm sền sệt, chua ngọt thơm lừng .. giống như loại chấm của quán ốc sữa bên Bà Chiểu . Mà cái này chống chỉ định cho những người dị ứng bột ngọt thôi.
Món thứ hai là món cháo cầu gai. Thấy cái nồi to lắm mà cũng hết veo. Các anh chu đáo lắm, thấy mấy em bơi lội vận động dưới nước nhiều sợ bị cảm, nên cho nhiều gừng vào cháo để phòng bệnh.
Tiếp theo là món ghẹ, trung bình mỗi người sẽ được 2 con ghẹ. Ghẹ tươi nấu liền nên chất đạm còn nguyên, cái ngọt thịt từ đạm nó khác xa cái ngọt của gia vị nhiều lắm. Có ăn hải sản tươi tại biển người ta mới hiểu được hết hải sản tươi là phải như thế nào. ( Những hàng quán thường có ghẹ nuôi bằng oxy trong bể, nhưng lại không được ngọt thịt như ghẹ tươi tự nhiên, do nguồn nước chăng? )
Mà phải kể thêm rằng, trước khi bơi, cũng được ăn một bữa cơm no nê của các anh rồi. Món cá bốp chiên, rau muống xào, thịt kho tép, canh chua cá bốp.. Lần nữa phải khen ngợi các anh chàng nấu bếp, không nấu thì thôi, mà đã nấu rồi thì ngon lành quá..
Có một anh nói, rất hiếm khi nào thấy một nhóm toàn là nữ như thế, cứ như ngày của phụ nữ ấy! ( vì 3 anh phải phục vụ cho 9 cô :D )
Chào tạm biệt các anh cũng là  lúc mưa vẫn rơi lộp bộp, chiếc ghe nhỏ đưa người vào bờ, để lại biển xanh cát trắng mênh mông, và xa xa là chiếc tàu có 3 anh trai miền biển nhiệt tình, đáng yêu. ^^

Sùng Hưng cổ tự, lễ  " xô đụn" mùa Vu Lan báo hiếu.
Lần này rất may mắn đi ra đúng ngay 30-7 Âm lịch, sẽ có lễ " xô đụn", còn gọi là " thí cỗ" ở Sùng Hưng cổ tự. Đụn: Là một cái trụ cao hơn đầu người, chất đầy bánh, kẹo được gói rất đẹp mắt. Ở trước chùa có 4 cái đụn to, nhỏ khác nhau đặt trên lầu cao. Khi đến khoảng 5 - 6 giờ chiều, người ta sẽ xô cho đụn ngã, để rơi bánh kẹo xuống và người dân sẽ nhặt lấy ( giống như cúng cô hồn ở đất liền vậy).
Phần này không hình ảnh, bởi định vào nhưng ngại chen lấn nên các nương đành đổi hành trình. ^^

Đi du lịch bụi, vào Resort .. karaoke.
Buổi tối ở Dương Đông, ngoài chợ đêm và cà phê gió .. thì chẳng còn nơi nào để đi nữa. Tour guide Trang dẫn dắt mọi người vào một resort ven biển để karaoke.
Cho nói riêng một chút, lúc đang hát hò thì anh trai hêu nhắn tin hỏi gì đó, rồi hỏi đang karaoke à... =''=  Hỏi gì mà hay quá xá, hỏi vu vơ mà trúng phóc.. nhưng tui vẫn nhắn qua .. đâu có! .. đang ở Phú Quốc chơi. ( Chắc ổng đọc được cái này cười té ghế luôn =.='' )
Còn cái vui nữa là đại gia Phương Anh không phân biệt được tiếng ếch kêu và tiếng .. bò kêu. Trời mưa lâm râm, nước ngập lủm chủm ruộng đồng, nên tụi ếch được dịp thoải mái kêu oàm oạp.. Đại gia liền nói, bò ở đâu kêu hoài. :D
Ăn cháo cổ vịt. =.=''
Món ăn sau khi ca hát, ghé một hàng quán trước khu chợ đêm. Những tô cháo được mang ra đều toàn là cổ vịt, da vịt không thôi. Sau khi húp hết cháo hỏi chị chủ quán, thịt đâu em chẳng thấy, chị cười chị bảo, có này có kia chứ em..  ( Cái kia ( phần ngon ) cho người khác hết rồi, nên đến lượt tụi em chỉ toàn cái này thôi .. hic .. chẳng buồn nói tiếp) . Đang ăn, thì nghe cái rầm ... Giông gió nổi lên nên cái màn chiếu to đùng của quán cà phê bên đường lật nhào, khiến các fan của MU tiu ngỉu, rồi mưa tới liền, nam thanh nữ tú dắt nhau chạy hết ráo mà mới mấy giây trước đây người người hò hét cỗ vũ um trời. Cái này cũng là ý ông trời luôn. hehe

Chợ cá Dương Đông
Như bao người đến Phú Quốc, phải đến đây để biết chợ hải sản của đảo nó như thế nào. Bé Đan hay Yến nói là, đến chợ mới cảm nhận được đảo có .. nhiều người.. chứ bình thường đi ít gặp người lắm ^^

Chợ cá. Ảnh: Bokitran
Ảnh: Bokitran

Ảnh: Bokitran

Trước khi đi chợ, là buổi ăn sáng no nê vô cùng, đủ món :
Bánh canh chả cá. Chị Linh nói thích ăn bánh canh bột gạo hơn là bột lọc, mà cái nào cũng ngon hết, đặc sản Phú Quốc cả đó ^^
Bánh tằm bì: Bánh tằm bì miền tây và ở đảo có thêm cục xíu mại mềm mềm,  bì giòn, ngọt, thơm, béo đủ mùi..
Bún thịt nướng, bún kèn... mỗi người hơn 1 tô :D
Chợ cá mùa bão chẳng được bao nhiêu là cá, với lại không ai có ý định đem cá tươi về nên đi dạo quanh đó rồi chuẩn bị  lên đường ra bến cảng về lại thành phố Rạch Giá thân yêu.
Trước khi bonus vài tấm hình, xin kể một tí teo về chuyến tàu về ( bởi không có nhiều hơn để kể)
6 người uống thuốc say sóng, 2 người không uống => những người uống thuốc thì có vẻ bị say sóng, ngủ li bì :)) còn không uống là tỉnh queo ( tui zà chị tui ).

Ảnh: Bokitran

Vậy là đi xong Phú Quốc rồi nhen, khi mọi người về Rạch Giá mình không đi cùng. Lúc mọi người ngủ là mình tung tăng ăn gà rán với mami và papa, rồi sau đó đi lẻ nên không tường thuật tiếp đoạn sau hehe.
Một dịp đi vui vẻ, đầy những chuyện cười đau đầu á hehe .. Chúc các chị, các em làm tốt và học giỏi nhen. Riêng đại gia Phương Anh đi Pháp nhớ phấn đấu trở thành phù thủy bào chế độc dược nhé. Qua kỳ này đại gia đã phân biệt được tiếng ếch kêu và tiếng bò kêu rồi. :))
Ảnh: Bokitran

No comments:

Post a Comment